NHẠC CỤ TỪ TRE, NỨA Ở VIỆT NAM

Khi nghiên cứu về nền văn hoá khu vực Đông Nam Á, một lĩnh vực khá được quan tâm phải kể đến đó là nghệ thuật âm nhạc. Bởi vì âm nhạc liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội con người. Tuy nhiên, theo những tài liệu ghi chép lại thì lịch sử âm nhạc Đông Nam Á cổ xưa thì gần như không có. Nhưng dựa vào những tư liệu khảo cổ học, sử học… người ta có thể phần nào thấy được những dấu tích của âm nhạc Đông Nam Á. Theo dòng thời gian, âm nhạc Đông Nam Á tồn tại và phát triển ngày càng phong phú muôn hình muôn vẻ. Tách riêng về nhạc cụ của Đông Nam Á, chúng ta cũng thấy được một số lượng lớn nhạc cụ với nhiều dạng cấu tạo và diễn tấu khác nhau. Điều đó chứng tỏ nhạc cụ truyền thống của khu vực này đa dạng cả về số lượng và chủng loại. Nổi bật là các nhạc cụ được chế tác bằng tre nứa và bằng đồng. Đó chính là các nhạc cụ đặc trưng của khu vực này, nó gắn liền với văn hoá của cuộc sống cư dân nơi đây. Ngoài các nhạc cụ bản địa, ở Đông Nam Á còn có những nhạc cụ khác do những cuộc tiếp biến giao lưu văn hoá với các nước không cùng khu vực mà có như: đàn Thập lục (Tranh), đàn Tam thập lục ở Việt Nam.v.v.. có ảnh hưởng từ nhạc cụ Trung Quốc; kèn Hnê ở Mianma; kèn Slaray ở Campuchia, kèn Sharanai ở Chăm Pa, kèn Saroenai ở Malaixia, kèn Saroene ở Inđônêxia.v.v đều có ảnh hưởng từ kèn Zurna của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong các loại nhạc cụ ở Đông Nam Á, nhạc cụ làm bằng tre nứa khá phổ biến. Do điều kiện tự nhiên nơi đây nên tre nứa là những loại cây mọc khá nhiều. Cư dân Đông Nam Á đã biết sử dụng những chất liệu xung quanh mình để làm ra nhạc cụ. Đó chính là yếu tố mang tính văn hoá truyền thống. Con người đã chung sống, hoà nhập cùng thiên nhiên và sáng tạo từ thiên nhiên để tạo nên văn hoá đặc trưng của khu vực.Trong cuộc sống lao động sản xuất, sinh tồn, đấu tranh chống xâm lược, các dân tộc Việt Nam nương tựa vào tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, môi trường. Từ trong sự tương sinh đó, cây tre, cây nứa, lồ ô… đã được các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra các nhạc cụ dân tộc độc đáo và những bản hòa âm của núi rừng, góp phần thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên, môi trường, sự phong phú, đặc sắc của âm nhạc truyền thống, văn hóa Việt Nam cần được tôn vinh, bảo tồn, phát huy trong bối cảnh hiện tại, giao lưu, hội nhập quốc tế.

Ở Việt Nam cây tre đã đi vào lịch sử, huyền thoại. Hầu như dân tộc nào trên dải đất Việt Nam cũng biết sử dụng tre nứa trong đời sống sinh hoạt, đồng thời nhiều dân tộc đã sử dụng tre nứa với tư cách là một nhạc cụ. Theo GS. TSKH Tô Ngọc Thanh thì hệ thống nhạc cụ Việt Nam được chia thành ba tầng văn hoá. Trong đó cổ xưa nhất là tầng văn hoá tiền Đông Sơn với các nhạc cụ làm từ tre nứa.

Nhạc cụ tre, nứa chiếm vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, gắn bó với cuộc sống và trong lao động sản xuất, cùng phong tục tập quán, lễ hội của mỗi miền, mỗi địa phương góp phần làm phong phú thêm cho tâm hồn, tình cảm. Ngay từ khi ra đời, nhạc cụ tre nứa dân gian đã là một hệ nhạc cụ hoàn chỉnh có vai trò riêng, phong phú về số lượng, đặc sắc về âm thanh, đa dạng về cấu trúc, tạo nên vẻ độc đáo riêng cho nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam gồm có các loại như sau:

  • Sử dụng tre nứa làm nhạc cụ hơi thổi gồm có: Sáo trúc (còn gọi là sáo ngang), Tiêu (sáo dọc) của người Kinh; Sáo H’mông (sáo Mèo), Kềnh (khèn Mèo) của người H’mông; Đinh Năm của người Tây Nguyên; Khèn Bè của người Thái, Chiêng, Gié…
  • Nhạc cụ hơi lùa tiêu biểu có K’lông Put của người Tây nguyên.
  • Nhạc cụ hơi vỗ có Tăng-bu của người Thái, người Kh’mú ở Tây Bắc; Tăng bản của người Xá Tây Bắc; Chàm ống (đâm ống) của người Mường; ống Cắc Cùng (ống Bương hay ống Cắc) của người Cao Lan…
  • Nhạc cụ gõ tre nứa tiêu biểu là đàn T’rưng của Tây Nguyên; đàn Đé (Deh) của người Ba Na, Ka Doong; Sứa của người Việt ở miền Trung.

Ngoài ra còn có nhạc cụ tạo ra âm thanh nhờ sức gió thổi như Ching Kial của người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai. Nhạc cụ nhờ sức nước như Khinh Khung của người Ba Na, Gia Rai.v.v.

Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam ngoài chức năng là một nhạc cụ để diễn tấu độc lập nó còn được sử dụng kết hợp với các loại hình nghệ thuật dân gian khác như kết hợp với múa, kết hợp với hát; hay để phục vụ việc trồng trọt xua đuổi thú dữ …

reviewnhaccu