NHẠC CỤ TỪ ĐÁ

Xuất hiện trên mảnh đất Tây Nguyên cách đây trên 3000 năm, đàn đá là một nhạc cụ cổ xưa nhất, chiếm một phần quan trọng trong đời sống tinh thần và là “sợi dây” kết nối giữa con người với thế giới tâm linh từ thời tiền sử. Đàn đá ngày nay vẫn sống động trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Đàn đá (các dân tộc ở Tây Nguyên, Việt Nam gọi là goong lu, đọc là goòng lú, tức “đá kêu như tiếng cồng”) là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ thô sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Người xưa sử dụng vài loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để tạo ra nhạc cụ này. Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

Đàn đá thường được hình thành từ nhiều thanh, làm bằng đá sừng, hoặc đá nham… Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và chau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để cho được các thang âm trầm bổng, thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong. Ngược lại, thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh… Kích thước của đàn đá thường khá dài nên ít được treo mà được các nghệ nhân đặt nằm song song nhau trên một giá đỡ ngang trong quá trình diễn tấu.

Qua hàng ngàn năm, dù đã chuyển sang sử dụng nhạc cụ bằng đồng như cồng và chiêng, nhưng người Tây Nguyên vẫn giữ tâm hồn tinh túy, âm hưởng mộc mạc của nhạc cụ thời tiền sử, thể hiện phong tục tập quán chơi đàn đá phổ biến của đồng bào M’Nông cổ xưa, được gìn giữ qua nhiều thế hệ như một sự phục hồi và tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.

Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá. Người xưa quan niệm âm thanh của đàn đá như một phương tiện để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Đàn đá đã được giới thiệu ở trong và ngoài nước như một nhạc cụ đặc biệt của dân tộc. Hiện nay, lạo đàn này còn xuất hiện chủ yếu ở vùng Tây Nguyên như một nhạc cụ không thể thiếu tại nơi đây, tuy nhiên với một số triển lãm tại một số tỉnh khác, đàn đá cũng được giới thiệu là nhạc cụ của dân tộc, mang đậm bản sắc của núi rừng

Có thể khẳng định, tổ tiên của nhạc cụ truyền thống xuất hiện đầu tiên ở Tây Nguyên là đàn đá, khởi nguồn của các nhạc cụ khác, mang tố chất lưu truyền qua nhiều thế hệ; có giá trị văn hóa sâu sắc bổ sung vào sưu tập nhạc cụ cổ đại của dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu và bảo tồn loại nhạc cụ độc đáo này cần tiếp tục được quan tâm để âm thanh đại ngàn mãi vang vọng và vang xa.

reviewnhaccu