NHẠC CỤ NÚI RỪNG

Việt Nam có 54 dân tộc. Và cũng là 54 sắc thái khác nhau ở mỗi dân tộc về truyền thống văn hóa âm nhạc. Mỗi một dân tộc đều mang đậm dấu ấn núi rừng. Ai đã từng băng qua những cánh rừng già, băng qua núi non, và lắng nghe tiếng nhạc, tiếng cồng, tiếng chiêng của núi? Ai đã từng đắm mình trong các lễ hội của người dân tộc, chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc về âm thanh, về nhạc cụ mang âm hưởng núi rừng thiên nhiên.

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Jarai, Ba Na, Mạ, Lặc… Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước…), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,…), v.v. Ngoài ra, trong dàn nhạc núi rừng Tây Nguyên còn có một số nhạc cụ núi rừng như: Sáo Mèo, T –rưng; Đàn đá; Klong-pút và Khơ-ní đã được bổ sung thêm vào làm tôn lên sự phong phú và chất riêng đặc biệt dành cho âm nhạc núi rừng.

Tây Bắc nói chung và vùng núi miền Tây Yên Bái nói riêng được thiên nhiên ban tặng cho những dãy núi trập trùng, những thác suối quanh năm nước chảy róc rách, hòa cùng tiếng gió thổi qua đại ngàn du dương, những tiếng chim rừng lúc trầm, lúc bổng ngân xa. Tô điểm vào bức tranh sơn thủy kỳ vĩ là màu xanh mượt của lúa, ngô, màu vàng óng trên những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa thu hoạch, là màu hoa mận trắng, hoa ban phơn phớt hồng và màu váy áo rực rỡ… Vùng núi miền Tây Yên Bái không chỉ chinh phục du khách bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, mà còn lôi cuốn bởi những sắc màu văn hóa của các tộc người anh em: H’Mông, Dao,Tày, Thái, … đang cùng sinh sống ở đây. Đặc biệt du khách sẽ được thưởng thức và khám phá những giai điệu đặc sắc của tiếng khèn Mông, một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây. Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau: trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, ngoại giao đón khách, cưới xin… tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn để đệm hát trong những ngày lễ truyền thống, cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui, tang ma.Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp gió gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà nó còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Hình ảnh những chàng trai khoẻ mạnh với những giai điệu khèn hay kết hợp với những động tác múa khèn điêu luyện, sẽ chiếm được cảm tình của các cô gái.

Dấu ấn núi rừng còn thể hiện ở rất nhiều vật dụng trong gia đình, đó là những đồ đan lát thủ công làm từ tre nứa. Ngay cả những loại nhạc cụ cũng được sáng tạo làm từ thân cây tre, nứa, phát ra những âm thanh rất đặc trưng, góp phần làm nên vẻ đẹp say đắm trong các làn điệu dân ca của dân tộc. Đàn gõ “Đao” loại nhạc cụ phổ biến trong cộng đồng Khơ Mú. Nhạc cụ này có nguồn gốc từ dụng cụ đuổi chim khỏi về ăn hạt lúa giống trong mùa tra hạt được. “Đao” được làm từ những ống nứa, khi gõ tạo những chuỗi âm kép rung vọng, lúc thầm thì, lúc vang xa. “Tót” là loại sáo dọc có 4 hoặc 6 lỗ  được chế tác từ tre hay nứa. “Pí Tơm” là loại sáo dọc được chế tác từ những đoạn tre non với âm sắc độc đáo như tiếng gió vi vu giữa đại ngàn bao la. Pí Tơm thường được đệm cho làn điệu hát dân ca Tơm.

Bạn thấy đấy, nhạc cụ núi rừng vô cùng đa dạng, phong phú. Một bài viết chưa thể lột tả hết được nét đặc sắc và khó quên của chúng. Hi vọng được gặp bạn ở các bài viết sau để có thể chia sẻ được nhiều hơn. Xin chào và hẹn gặp lại.

reviewnhaccu