Phách là nhạc khí tự thân vang, xuất hiện trong nhiều thể loại ca, múa nhạc ở Việt Nam từ rất lâu đời. Nhiệm vụ của phách là giữ nhịp cho dàn nhạc, người hát hoặc múa. Nhịp của phách đơn giản trong cải lương, nhưng phức tạp và biến tấu trong những dàn nhạc sân khấu. Loại phách đề cập trong bài này là loại dùng trong hát ả đào.
Phách có nhiều loại và tên gọi khác nhau. Trong hát xẩm phách gọi là cặp kè; trong cải lương và dàn nhạc tài tử phách là song lang; trong ca Huế phách là sênh (sênh tiền), còn trong dàn nhạc tuồng, đám ma, múa tôn giáo và múa dân gian người ta mới là phách.
Bộ phách ả đào gồm có bàn phách, tay ba và hai lá phách. Bàn phách là miếng tre dài khoảng 30 cm, bản rộng chừng khoảng 4 cm. Nó có 2 đầu mấu tre dùng làm chân cho mặt bàn phách cao lên. Hai lá phách là dùi gõ kép. Người ta cầm 2 lá phách chập vào nhau để gõ vào mặt bàn phách. Tay ba là dùi gõ làm bằng gỗ mít, dài như 2 lá phách, được người sử dụng cầm bằng tay trái.
Khi phách 2 lá gõ vào bàn phách âm sắc phát ra nhòa, bẹt và hơi đục. Lúc dùng tay ba gõ vào bàn phách âm sắc sẽ trong, gọn và giòn. Hình thức dùi tròn được xem như là dương vật (linga theo truyền thống Ấn Độ), dùi chẻ hai được xem như là âm vật (yoni). Nhờ vậy, khi nghe 2 tiếng phách thính giả nhận thấy rằng có một tiếng trong và một tiếng đục, một tiếng mạnh và một tiếng nhẹ, một tiếng cao và một tiếng thấp, một tiếng dương và một tiếng âm. Tiếng phách Ca trù Việt Nam rất độc đáo và trong âm nhạc thế giới không có nước nào khác có cách gõ như thế.
Phách cấu tạo đơn giản nhưng kỹ thuật sử dụng rất phong phú, gồm những cách chính như sau:
- Ngón rục: tay ba gõ nhẹ, nảy nhanh trên bàn phách 2 tiếng, tiếp ngay sau đó là phách 2 lá gõ xuống bàn phách một tiếng. Ba âm thanh gần nhau gọi là tiếng rục.
- Ngón chát: tay ba và phách 2 lá cùng gõ xuống bàn phách (phách 2 lá gõ hơi nhanh hơn một chút). Gõ xong không nhấc lên ngay nên âm thanh chát, hơi thô.
- Ngón vê: tay ba và phách gõ 2 lá gõ thay phiên gõ nhanh trên bàn phím hoặc tay ba giơ cao đối diện bàn phím. Phách 2 lá luồng vào giữa gõ xuống bàn phách rồi nảy ngược nhanh gõ vào tay ba (ít sử dụng).
Tiếng phách và tiếng hát của đào nương là một nét rất độc đáo của ca trù. Cỗ phách trong ca trù bằng gỗ hoặc tre, gồm bàn phách, hai lá phách (hai lá phách dẹt cầm ở tay trái, một là phách tròn cầm ở tay phải). Phách ca trù không chỉ giữ nhịp cho lời hát, mà nó thực sự là một tiếng hát khác của người đào nương.