Ý nghĩa việc trình diễn các tác phẩm guitar Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam, tầng lớp những người dân am hiểu, yêu thích âm nhạc cổ điển chưa nhiều. Các chương trình ở các sân khấu lớn chủ yếu là các chương trình ca nhạc, ít có các chương trình âm nhạc cổ điển. Do vậy, việc biểu diễn các tác phẩm guitar Việt Nam, đây là những tác phẩm được sáng tác, chuyển soạn từ các ca khúc
Việt Nam hay từ những làn điệu, chất liệu âm nhạc Việt Nam, có sự gẫn gũi, dễ hiểu đối với khán giả. Từng bước đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng, nâng cao sự hiểu biết về âm nhạc guitar cổ điển phương Tây cho khán giả Việt.
Với phản ứng dây truyền, việc trình diễn các tác phẩm guitar Việt Nam giúp phát triển hơn về âm nhạc guitar trong xã hội, sẽ góp phần thúc đẩy các nhạc sĩ trong sáng tác, chuyển soạn, phát triển mạnh âm nhạc guitar, mang tiếng đàn đến gần hơn với công chúng.
Trong một số chương trình biểu diễn guitar cổ điển giao lưu giữa các nghệ sĩ guitar Việt Nam và các nghệ sĩ guitar nước ngoài, đã có những nghệ sĩ guitar nước ngoài yêu thích và quan tâm đến những tác phẩm guitar Việt Nam, thậm chí họ còn muốn tập luyện và biểu diễn các tác phẩm này. Do vậy, nếu tác phẩm guitar Việt Nam được trình diễn trong các sự kiện quốc tế thì không chỉ giúp cho sự phát triển guitar ở Việt Nam mà qua đó còn giới thiệu những màu sắc âm nhạc phong phú, đặc sắc của đất nước ra quốc tế.
Trong thời kỳ đầu mới du nhập vào Việt Nam, ở những năm 30 thế kỷ XX, đàn guitar được sử dụng để hòa tấu hay đệm hát trong các phòng trà, thời kỳ này đàn guitar Hawai được sử dụng rất phổ biến, còn guitar Espagnole thường dùng để đệm hát, ít người độc tấu vì trình độ còn hạn chế và do tài liệu có rất ít.
Nghệ thuật đàn guitar ở Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng ở thời kỳ tiền khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám 1945, đã phát huy tác dụng và có sức cổ động viên tinh thần cách mạng của toàn dân với hình thức đệm đàn hát tập thể.
Đến những năm 45 các nhạc sĩ như: Đỗ Chí Khang, Dương Thiệu Tước, Đỗ Đình Phương, Phạm Ngữ, Tạ Tấn mới đi sâu vào nghệ thuật độc tấu đàn guitar Espagnole và đó cũng là những người thầy đầu tiên đóng góp rất nhiều công lao cho việc phát triển nghệ thuật guitar cổ điển ở Việt Nam.
Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam, trường Quốc gia âm nhạc Sài gòn được thành lập, khai sinh bộ môn guitar cổ điển Việt Nam. Cùng gắn bó và góp phần cho sự phát triển guitar cổ điển ở Việt Nam, là những nghệ sĩ guitar tiêu biểu: Phạm Ngữ, Nguyễn Thiện Tơ, Hoàng Giác, Tạ Tấn, Nguyễn Hải Thoại, Quang Tôn, Phạm Văn Phúc, Trương Huệ Mẫn, Đỗ Đình Phương, Võ Tá Hân, Phùng Tuấn Vũ, Hoàng Ngọc Tuấn, Phan Đình Tân, Đặng Ngọc Long…
Thông qua những tổng hợp, nghiên cứu một số đặc điểm trong các tác phẩm guitar Việt Nam và so sánh với nhạc guitar thế giới, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt khá lớn giữa tác phẩm guitar trong nước và quốc tế. Tác phẩm thế giới được sáng tác bởi các nhạc sĩ đã qua đào tạo chuyên ngành sáng tác một cách bài bản, chuyên sâu, họ cũng chính là các nghệ sỹ guitar cổ điển nổi tiếng. Chính vì vậy, sản phẩm âm nhạc được sáng tác vừa mang phong cách viết chuyên nghiệp, cấu trúc thống nhất, chặt chẽ, vừa có được sự khai thác tốt về tính năng nhạc cụ. Từ đó, trong mỗi tác phẩm âm nhạc luôn đạt được hai yếu tố hết sức quan trọng, đó là sự hoàn thiện về cấu trúc và âm hưởng đặc trưng của guitar.
Không những vậy, các nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar Phương Tây được sống, đào tạo ở nơi có nền âm nhạc phát triển nên tiếp thu được các thành tựu một cách trực tiếp, đã đưa được các phong cách âm nhạc vào trong tác phẩm guitar như phong cách cổ điển thế kỷ XVIII trong các sáng tác của Mauro Giuliani, hoặc phong cách lãng mạn thế kỷ XIX trong âm nhạc của Francisco Tarrega, điều này lý giải tại sao tác phẩm guitar đạt những chuẩn mực được thế giới công nhận và phổ biến rộng khắp.
Còn tại Việt Nam, trải qua năm tháng chiến tranh, các nghệ sĩ guitar đến với cây đàn đa phần là xuất phát từ tình yêu mạnh mẽ, tự học, tự vượt lên chính mình để cống hiến cho sự phát triển của cây đàn và để phục vụ cuộc sống. Do chưa qua trường lớp đào tạo về chuyên ngành sáng tác chuyên nghiệp nên đa phần tác phẩm là chuyển soạn, mảng sáng tác có số lượng rất ít. Đặc điểm này dẫn đến việc bị giới hạn về phạm vi, cấu trúc tác phẩm, và sự đa dạng trong ứng dụng các tính năng nhạc cụ. Tuy nhiên, ở góc độ sáng tạo, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam cũng đã đưa ra được những cách thể hiện độc đáo, hiếm thấy trong kho tàng tác phẩm thế giới, để có thể tiến đến xây dựng phong cách guitar cổ điển Việt Nam, thì đây là các yếu tố cần được nghiên cứu sâu, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tinh xảo và phổ biến hơn. Từ việc so sánh thực trạng tác phẩm guitar Việt Nam với thế giới, phần nào có được sự nhìn nhận khách quan, chân thực về quá trình hình thành của guitar Việt Nam, thấy rõ được điểm trội cũng như các điểm yếu để có thể hoạch định được các giải pháp mang tính toàn diện, giúp làm giàu kho tàng tác phẩm về số lượng và chất lượng, nâng cao hiệu quả thể hiện, đóng góp trong quá trình xây dựng phong cách guitar cổ điển Việt Nam.