Tài liệu học đàn piano Let’s Learn Piano

  • Tài liệu dạy học

Về tài liệu dạy học của Trung tâm Âm Nhạc, chúng tôi tham khảo và trích dẫn trong Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 . Trung tâm Âm Nhạc đang sử dụng tài liệu Let’s Learn Piano do cô Nguyễn Thúy Hà – quản lý của Trung tâm Âm Nhạc tự biên soạn với các tác phẩm được chọn lọc và tham khảo từ 1 số các giáo trình cũng như tài liệu khác. Qua nhiều năm dạy học, với những kinh nghiệm đã tích lũy được cùng với sự am hiểu của mình về học sinh ở lứa tuổi tiểu học, cô đã sưu tầm và tổng hợp để cho ra đời tài liệu dạy học mang tên Let’s Learn Piano với các phần phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh. Đặc biệt đối với học sinh tiểu học thì sẽ chỉ sử dụng tài liệu piano B1 và B2 với các tác phẩm cơ bản, chủ yếu đi sâu vào việc hướng dẫn cho các em làm quen, ghi nhớ được cao độ và trường độ các nốt nhạc. Không giống như những tài liệu dạy học khác, Let’s Learn Piano hướng tới đối tượng là các em học sinh tiểu học chưa được làm quen với piano, giúp việc học piano đối với học sinh trở nên dễ dàng hơn, tạo sự hứng thú và giúp các em làm quen dần với việc học đàn.

học đàn piano

Các tác phẩm piano ban đầu thường với giai điệu đơn giản, đi từ dễ đến khó, từ bài làm quen với 3 nốt nhạc đầu tiên là đô, rê, mi đến những bài 5 nốt và 7 nốt nhạc. Từ bài cho học sinh tập riêng tay phải đến tay trái rồi mới ghép 2 tay. Các em được làm quen với việc đặt các ngón tay trên đàn theo thứ tự và chơi các nốt liền bậc để nắm vững được số ngón tay và nhớ vị trí của nốt nhạc trên đàn. Trường độ nốt nhạc của các bài đầu tiên chủ yếu là các trường độ cơ bản như nốt đen, trắng hay tròn, đi từ dễ đến khó  để làm sao các em nắm được các kiến thức nhạc lý cơ bản.

Ngoài ra ở phần sau của tài liệu còn bổ sung thêm các bài tập lý thuyết nhằm giúp học sinh nắm vững được các kiến thức về nhạc lý cơ bản, phục vụ tốt hơn cho việc thị tấu các tác phẩm sau này. Tài liệu cũng chú trọng đến việc giúp học sinh làm quen với việc xếp ngón tay và rèn luyện được cho học sinh khả năng thị tấu khá tốt. Đa số học sinh đều có thể nắm vững được các kiến thức về nhạc lý cơ bản và có thể chủ động trong việc học bài mới.

Tuy nhiên, tài liệu Let’s Learn Piano với các bài tập thực hành cùng các tác phẩm để đưa vào dạy học còn khá dễ, tiến trình dạy học còn chậm. Lượng kiến thức không nhiều, giai điệu của các tác phẩm chưa hay và chưa có các tác phẩm tiêu biểu trong và ngoài nước nên khiến nhiều học sinh có năng khiếu cảm thấy nhàm chán. Tài liệu này mặc dù có đề cập đến các kỹ thuật cơ bản của piano thông qua các tác phẩm như: Kỹ thuật non legato,  kỹ thuật legato,… nhưng chưa đi sâu vào chi tiết từng kỹ thuật, các tác phẩm để thực hành luyện tập các kỹ thuật này cũng còn khá dễ chỉ phù hợp với học sinh từ 6-7 tuổi đang học ở giai đoạn đầu.

Nếu như cứ áp dụng tài liệu Let’s Learn Piano vào mô hình lớp  nhóm hoặc cá nhân với đối tượng học sinh 8-10 tuổi hoặc đã từng học piano trước đó thì sẽ không phù hợp. Cùng với đó, việc luyện ngón cho học sinh thông qua các dạng bài như: Gamme, Hanon và Etude cũng chưa được đưa vào giáo trình. Tài liệu chưa có thêm phần học bổ trợ các kỹ năng khác cho học sinh như rèn luyện tiết tấu, xướng âm,…

Khi thực hiện xây dựng tài liệu, Trung tâm hướng tới việc rèn luyện cho học sinh khả năng đọc nốt tốt và chơi được các tác phẩm ở mức sơ giản đồng thời việc luyện ngón hàng ngày đối với các em học sinh tiểu học thường gây cảm giác nhàm chán, khiến các em không hứng thú và gắn bó lâu dài với Trung tâm do đó trong tài liệu dạy học chưa bổ sung thêm các bài tập giúp học sinh rèn luyện kỹ thuật luyện ngón.

Để hướng dẫn luyện ngón cho học sinh, các giáo viên khi dạy học phải tự chuẩn bị các dạng bài tập luyện ngón, mỗi giáo viên lại có định hướng riêng cho học sinh dẫn đến việc không đồng nhất trong phương pháp dạy học. Tài liệu cũng chưa có những tác phẩm giúp học sinh rèn luyện các kỹ thuật cơ bản của piano như: Kỹ thuật legato, non legato,… cùng với đó các trường độ khó hơn như nốt móc đơn, nốt đen chấm dôi,.. cũng phải đến cuối tài liệu B2 mới bắt đầu xuất hiện.

Việc rèn luyện tư thế ngồi, tư thế đặt tay trên đàn sao cho đúng cũng chưa được tài liệu đề cập đến và thiếu những hình ảnh minh họa để phụ huynh và học sinh tham khảo. Đặc điểm của học sinh tiểu học là thường nhanh quên, có thể hôm nay làm tốt nhưng hôm sau đi học lại không nhớ. Cùng với đó, nhiều bậc phụ huynh không nắm được các kiến thức cơ bản của piano nên khi ở nhà học sinh ngồi sai tư thế hay đặt tay sai, phụ huynh cũng không thể làm mẫu để hướng dẫn đúng cho con được. Do đó tài liệu dạy học Let’s Learn Piano cần bổ sung thêm phần rèn luyện các kỹ thuật  cơ bản bao gồm tư thế tay, tư thế ngồi kèm theo hình ảnh và ví dụ minh họa để phụ huynh và học sinh dễ dàng theo dõi.

Với đặc điểm mô hình dạy học chủ yếu là các lớp học tập thể hoặc học theo nhóm do đó việc sử dụng tài liệu với các tác phẩm và dạng bài tập quá dễ sẽ không phù hợp và không ứng dụng được với sự đa dạng trong trình độ tiếp thu của học sinh. Trên thực tế, có nhiều học sinh khi đến với Trung tâm Âm Nhạc đã được học đàn từ năm 4-5 tuổi, khi bắt đầu bước vào cấp bậc tiểu học, các em đã được rèn luyện trong ít nhất từ 1-2 năm học piano nên các em này chắc chắn đã có được những nền tảng nhất định. Hay như các em học sinh có năng khiếu và tiếp thu nhanh, các em có thể chỉ trong thời gian ngắn đã nắm được hết các kiến thức và chơi được  các tác phẩm trong tài liệu dạy học vì thế việc đa dạng hóa các dạng bài tập đồng thời bổ sung thêm nhiều các tác phẩm ở mức độ từ dễ đến khó vào tài liệu dạy học Let’s Learn Piano dành cho học sinh tiểu học là điều cần thiết.

reviewnhaccu