Tôi yêu cây đàn dương cầm, yêu giai điệu du dương được phát ra từ nó, yêu những khoảnh khắc thư giãn được ngồi bên phím đàn. Với niềm đam mê ấy, tôi quyết tâm học cách làm chủ cây đàn, làm chủ sân khấu và luôn suy nghĩ làm sao để học đánh đàn hay như Mozart.
Một “người bạn” tốt luôn đồng hành bên tôi trên hành trình chinh phục âm nhạc
“Người bạn” tốt đó của tôi chính là cây đàn piano. Nếu nói gươm là vũ khí của các chiến binh thì đàn chính là vũ khí của những người chơi nhạc. Bạn sẽ không thể chỉ học lý thuyết “suông” trên những khuông nhạc mà cần kết hợp cả thực hành. Bởi vậy, một cây đàn chất lượng sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới khả năng thẩm âm cũng như thành công sau này của bạn.
Có hai loại đàn piano cơ bản là cơ và điện. Tùy theo định hướng mà bạn có thể chọn loại đàn khác nhau. Piano điện là lựa chọn thích hợp để bắt đầu nhập môn vì khá dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên sau khi bạn đã có nền tảng nhất định thì piano cơ sẽ là “người bạn” lý tưởng vì giai điệu mà nó mang lại chân thực và cảm xúc hơn piano điện rất nhiều.
Nắm vững những kiến thức nhạc lý cơ bản
Câu nói “Biết địch biết ta , trăm trận trăm thắng” không chỉ áp dụng trong đánh trận mà còn có thể sử dụng trong việc học đánh đàn. Bước đầu tiên của “kế hoạch” đánh đàn hay như Mozart đó là nắm chắc những kiến thức về các nốt trên khuông nhạc; một số hợp âm quen thuộc như: Am, C, G, F…; làm quen bàn phím; tập đánh những bản nhạc đơn giản…
Các “tân binh” sẽ phải trải qua một khoảng thời gian tập làm quen với những sheet nhạc. Nhiệm vụ hàng đầu là phải biết nốt nhạc, biết đọc sheet nhạc và nắm vững nhịp phách. Cố gắng luyện tập cho đến khi có thể chơi hai tay một cách thuần thục, tự nhiên rồi từ từ nâng cao trình độ với những thử thách khó hơn.
Giành thời gian tự trau dồi kiến thức và kỹ năng
Thường xuyên nghe những bản nhạc yêu thích sẽ giúp nâng cao khả năng cảm nhạc và thẩm âm của bạn. Ngoài ra, tham gia các buổi hòa nhạc, biểu diễn khiến những kỹ năng trình diễn hoặc kinh nghiệm thực hành của bạn tăng cao “vùn vụt” đó. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo giáo trình Methode Rose – chìa khóa nhập môn cho những người mới bắt đầu.
Để có thể chơi đàn hay thì một yếu tố quyết định khác đó là không sợ sai lầm. Cũng giống như việc bạn không thể nói giỏi ngoại ngữ nếu như bạn không chịu giao tiếp. Việc tích cực tham gia vào các câu lạc bộ hoặc phòng trà để đánh đàn không chỉ giúp phô bày kỹ năng của bạn, mà còn để bạn có cơ hội nhận ra những thiếu sót trong cách chơi của mình.
Động lực để theo đuổi âm nhạc
Ấn tượng đầu tiên đối với đàn dương cầm của tôi là hình ảnh những nghệ sĩ xinh đẹp và sang trọng đắm mình trong giai điệu du dương bên những phím đàn. Ảo tưởng đẹp đẽ đó đã theo tôi suốt một thời gian cho đến khi thực sự được ngồi vào chơi đàn. Khi mới tập luyện, đôi tay không được linh hoạt, luôn trong tình trạng đau và nhức mỏi thực sự đã khiến tôi nhiều lần nản lòng.
Tuy nhiên, khi đã vượt qua được nhưng khó khăn ban đầu, khi đã có thể tự mình đàn lên được những giai điệu thành hình thành tiếng, tôi cảm thấy xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Và ảo tưởng ban đầu lại trở thành động lực để tôi tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ tiếp trên con đường âm nhạc mà mình vạch ra.
Nếu bạn hỏi tôi rằng học piano có khó hay không, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng thực sự không khó. Quả thực là kiến thức khá dễ, chỉ trừ việc bạn phải thật sự kiên trì thực hành và có đam mê. Nếu bạn là người mới chơi , hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng về việc tập luyện để có thể học đánh đàn hay như Mozart.