NHẠC CỤ LÀM BẰNG TRE, NỨA

Trong cuộc sống lao động sản xuất, người vùng cao gắn bó, nương tựa vào tự nhiên, vì thế văn hóa cũng mang đậm màu sắc của tự nhiên. Từ đó, cây tre, cây nứa đã được các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra các nhạc cụ độc đáo.

Nhạc cụ tre nứa còn là một trong 5 hệ của nhạc cụ gõ dân gian (hệ đá, hệ đồng sắt, hệ tre nứa, hệ gỗ và hệ màng da). Có thể nói, nhạc cụ tre nứa chiếm vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, gắn bó với cuộc sống và trong lao động sản xuất, cùng phong tục tập quán, lễ hội của mỗi miền, mỗi địa phương góp phần làm phong phú thêm cho tâm hồn, tình cảm. Ngay từ khi ra đời, nhạc cụ tre nứa dân gian đã là một hệ nhạc cụ hoàn chỉnh có vai trò riêng, phong phú về số lượng, đặc sắc về âm thanh, đa dạng về cấu trúc, tạo nên vẻ độc đáo riêng cho nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Dựa vào nguồn âm của nhạc cụ mà người ta chia nhạc cụ tre nứa thành 3 loại: nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi và nhạc cụ tự thân vang. Nhạc cụ dây gồm: Goong Kham (Ê Đê), Roong rơla (Mơ Nông), Poong pang (Mường)… là những nhạc cụ mà khi được tác động, dây căng rung lên, tạo ra âm thanh. Nhạc cụ hơi là nhạc cụ khi được tác động bằng không khí để tạo ra âm thanh. Nó bao gồm các loại Pí (Pí tam lang, Pí đôi, Pí ló, Pí thiu, Pí phắp…), khèn (dân tộc Thái, Tà ôi, Pa cô..), K’long put (dân tộc Ba-Na, Xê-Đăng). Nhạc cụ tự thân vang gồm mõ, t’rưng (dân tộc Ba-Na, Gia Rai, Xê-Đăng) là những nhạc cụ khi được tác động, toàn thân nhạc khí rung lên, tạo thành âm thanh.

Nhạc cụ tre nứa mang tính phổ biến bởi nó được tạo nên từ chất liệu thô sơ, vốn rất sẵn có ở mọi nơi, như trong vườn, làng mạc hay trong rừng. Đây cũng chính là nét đặc thù của loại hình nhạc cụ này. Mặc dù được làm từ tre nứa, có cấu tạo đơn giản, nhưng nó lại có khả năng gây sự chú ý cho người nghe. Cũng chính vì thế mà nhạc cụ tre nứa chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống nhạc cụ dân tộc. Từ những ống tre, ống bương gùi nước ở suối, đồng bào Thái đã biến nó thành loại nhạc khí có tác dụng độc đáo, hấp dẫn người nghe.

Nhạc cụ tre nứa cũng như các loại nhạc cụ dân tộc khác, do được sản sinh từ xa xưa nên chúng không tránh khỏi những nhược điểm, đặc biệt là về mặt âm lượng. Trừ các loại nhạc khí thân vang thì hầu hết chúng đều phát ra âm thanh nhỏ nhẹ, độ ngân có giới hạn. Khi âm nhạc cổ truyền chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc phương Tây và đòi hỏi của xã hội ngày càng cao thì loại nhạc cụ tre nứa nói riêng và các loại nhạc cụ dân tộc nói chung đều được cải tiến để đáp ứng được nhu cầu diễn tả những tâm tư, tình cảm của con người đối với xã hội.

Qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, nhạc cụ tre nứa vẫn ngân vang, nói lên những vui buồn, ước mơ, khát vọng của đồng bào dân tộc Việt Nam. Nó là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc anh em, giữa Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới. Do vậy, ngày nay, nhạc cụ tre nứa là loại hình vô cùng độc đáo trong kho tàng nhạc cụ dân tộc. Nó góp phần làm tăng thêm những giá trị tiềm ẩn của nền âm nhạc nước nhà, là sản phẩm đặc thù thể hiện tính văn hóa của đất nước và con người Việt Nam.

Hàng năm, hoạt động trưng bày, trình diễn “Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam” được tổ chức nằm trong chuỗi chương trình chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban Dân tộc và một số cơ quan địa phương tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Hi vọng sẽ được gặp bạn trong sự kiện âm nhạc này vào một ngày không xa. Cảm ơn đã đọc bài chia sẻ của chúng tôi.

reviewnhaccu