NHẠC CỤ KHÈN

Kềnh/Khèn H’Mông là nhạc cụ thổi hơi của người H’Mông. Một số dân tộc khác cũng có loại nhạc cụ Kềnh. Người Kinh gọi Kềnh là Khèn, vì thế Kềnh H’Mông còn được gọi là Khèn Mèo.

Kềnh H’Mông có 6 ống trúc rỗng ruột với độ dài ngắn khác nhau. Những ống này xuyên qua 1 bầu gỗ. Phần trên của đầu bầu gỗ thuôn nhỏ, nối với 1 ống trúc khác tạo thành ống thổi. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có 1 lưỡi gà nhỏ bằng đồng nằm ở chỗ cắm qua bầu gỗ, gần đó, phía bên ngoài bầu gỗ là lỗ bấm. Muốn tạo ra âm thanh của ống nào, người ta bịt tay vào lỗ bấm của ống đó, thổi hơi vào khiến lưỡi gà rung lên phát ra âm thanh. Lúc hít hơi vào lưỡi gà cũng bị tác động cho ra âm thanh.

Tùy theo mức độ dài ngắn, to nhỏ mà các ống có âm thanh khác nhau. Riêng ống ngắn nhất và ống dài nhất có 2 lưỡi gà song song phát ra đồng âm. Nhìn chung, khi bịt lỗ hay mở ra đều có thể tạo âm thanh khi thổi. Kỹ thuật sử dụng Kềnh H’Mông cơ bản là những thế bấm như vỗ, vê, ngắt, láy rền, đánh chồng âm, hợp âm và hoà âm…

Kềnh H’Mông giống như nhiều loại Khèn khác, là nhạc cụ đa thanh, âm sắc có nhiều chất kim loại, hơi rè nhưng mạnh mẽ. Nhạc cụ này có âm vực trong vòng 1 quãng tám, mỗi ống chỉ phát ra 1 âm thanh. Một số nghệ nhân đã cải tiến loại Kềnh này thành 8 – 9 ống hoặc vẫn giữ nguyên 6 ống nhưng làm khóa bịt mở lỗ bấm để tạo thêm vài âm nữa, do đó âm vực rộng hơn đôi chút.

Người H’Mông thổi Kềnh trong những cuộc vui, tang ma hay lúc đi từ nhà đến chợ. Hiện nay, họ có nhiều loại Kềnh với kích cỡ khác nhau (nhỏ, vừa và to). Theo truyền thống, nhạc cụ này do nam giới sử dụng, thường dùng để độc tấu hoặc đệm hát.

Đến phiên chợ, trai gái Mông từ trên núi cao đổ xuống dập dìu. Người đi bộ, người đi ngựa, không ai bảo ai nhưng trên vai ai cũng có một cây khèn Mông. Họ xuống chợ để nhớ, để thương, để tỏ tình, để truyền gọi và bên nồi thắng cố với hương rượu ngô nồng nàn của men lá, các chàng trai cầm khèn thổi, khom lưng nhún nhẩy lượn quanh những cô gái… Nếu đôi nào ưng ý nhau thì dắt tay nhau tan biến vào núi rừng. Cây khèn Mông có thể ví như một báu vật truyền lại cho các thế hệ sau, trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông. Tiếng khèn ngấm sâu vào từng thớ thịt người Mông, thân quen như mèn mén và rượu ngô. Con trai Mông người nào cũng đều có chiếc khèn trên vai mỗi khi lên nương hay xuống chợ. Âm thanh của khèn vút cao vừa như trách, vừa như hờn giận, vừa như mời gọi… và cũng mạnh mẽ như chính hơi thở cuộc sống người Mông vậy. Bởi, nếu không mạnh mẽ, người Mông chắc khó lòng sống nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao đầy đá, nắng và gió lạnh… Tiếng khèn cũng như mang trong mình một ma lực quyến rũ, vang vọng và nồng nàn giữa núi rừng đầy huyền bí nhưng rất gần với con người.

reviewnhaccu