Nhạc cụ của người Ê đê

Người Ê Đê (còn gọi là Rađê) có khoảng gần 35 vạn người, cư trú tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai, miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Cũng như các dân tộc thiểu số bản địa khác ở Tây Nguyên, người Ê đê có kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú, đa dạng, luôn gắn bó mật thiết trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh qua các lễ hội, tập tục truyền thống. Trong đó, nghệ thuật âm nhạc phát triển rất đặc sắc, độc đáo về nhạc cụ và các hình thức biểu diễn. Nhạc cụ của người Ê Đê gồm có: cồng chiêng, trống, sáo, khèn, Gôc, Kni, đàn, Đinh Năm, Đinh Ktuk được nhiều người yêu thích.

Cồng chiêng là nhạc cụ của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Stieng thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Âm thanh của cồng, chiêng vang như tiếng sấm rền. Đối với các dân tộc ở Việt Nam, cồng, chiêng được coi là nhạc cụ thiêng. Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới nên đồng bào Êđê cũng như các đồng bào khác đã chú tâm gìn giữ văn hoá của mình đặc biệt là các giàn chiêng.

Ngoài sự độc đáo đã được công nhận của các bộ cồng chiêng thì trong đời sống của đồng bào Êđê còn có các nhạc cụ dân gian khác phục vụ nhu cầu tinh thần khác nhau như:

Ching kram (chiêng tre) là một nhạc cụ truyền thống riêng có của người Ê-đê, được chế tác từ ống tre, ống nứa núi rừng Tây Nguyên. Âm thanh từ dàn ching kram rền chắc, dồn dập, rộn ràng. Diễn tấu đơn giản, vật liệu dễ kiếm, ching kram có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng Ê đê. Với nhiều biến tấu và nhịp điệu vui tươi rộn ràng, tiếng ching kram không chỉ đơn thuần là tiếng nhạc, thư giãn giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc, mà còn là một ngôn ngữ kỳ diệu, kết nối tâm hồn con người với thế giới tâm linh. Do vậy mà ching kram được sử dụng trong nhiều lễ hội của buôn làng, lễ cúng của các gia đình Ê-đê.

Ky Pah (Đinh Ky) Tù và, là một loại tù và thổi ngang có lưỡi gà và có vỗ bật mở 2 đầu để tạo âm, âm lượng lớn chói tai với chức năng chính là để thông tin. Ky pah bị cấm thổi trong nhà. Hiện nay do sừng trâu ngày càng hiếm bởi buôn làng chỉ “năm thì mười họa” mới đâm trâu nên ở Tây Nguyên bây giờ thường làm nhạc cụ này bằng rễ cây muồng đen.

Ky pá là loại nhạc cụ như tù và làm bằng sừng trâu, khi thổi, người thổi dùng lòng bàn tay vỗ vào miệng tù và tạo tiếng rung, tiếng ngắt. Ky pá có âm lượng rất lớn nên thường được dùng phát hiệu lệnh chiến đấu, đuổi muông thú. Ky pá còn dùng trong lễ tang ma, rước trống, cúng rẫy, cúng thần nước…

reviewnhaccu