Phương pháp học đàn organ hiệu quả

Phương pháp học đàn organ hiệu quả là vấn đề nhiều bạn đang loay hoay tìm kiếm. Học organ không quá khó như học đàn piano nhưng nếu bạn là người mới bắt đầu học nhạc thì bạn phải nghiêm túc và biết cách học tập theo phương pháp thì mới có thể thành công được.

Điều đầu tiên bạn cần làm chọn được cây đàn phù hợp cho mình biết rõ những tính năng của nó. Bạn sẽ không thể học và luyện tập nếu bạn không hiểu gì về chính cây đàn của mình và bạn cũng không thể tự tập đàn nếu chọn phải một cây đàn organ có nhiều chức năng và quá khó đối với mình.

Nguyên tắc tập đàn Organ thông thường

Thứ nhất, khi ngồi vào tập đàn, đừng vội vào bài ngay mà hãy dành ra 5 phút để chạy luyện ngón 2 tay hoặc chạy 1 gam Rải và ARPE nào đó.

Thứ hai, trước khi tập vào bài mới, bạn hãy đọc nhẩm kết hợp đập nhịp nhiều lượt giai điệu của bài đó, đặc biệt chú ý quan sát khóa biểu (khóa Sol- khóa Fa- dấu hóa -chỉ số nhịp… ). Để dễ nhớ, dễ thuộc, bạn có thể chia bài nhỏ ra làm nhiều đoạn, nhiều câu nhạc ngắn để luyện tập. Điều quan trọng là khi luyện tập, ngay từ ban đầu bạn cần phải chú ý ngón tay; dấu hóa; trường độ; dấu lặng… để xem có bị tập nhầm hay không, tập sai sau này thành tật sửa lại rất mất thời gian.

Thứ ba, bạn cần biết rằng trong Organ thường có 2 dạng bài học. Đó là: dạng bài học có kỹ thuật sử dụng 2 tay 2 khóa nhạc (piano) và dạng bài học có sử dụng phần nhạc đệm hòa âm tự động có trong đàn Organ.

Phương pháp tập đàn Organ cơ bản

Nếu bạn là người mới học đàn, điều cần thiết cho bạn là chia nhỏ bài thành từng câu, từng đoạn để luyện tập cho dễ. Trong quá trình luyện tập nhớ chú ý đến ngón tay, dấu hóa, nhất là các nốt nhạc ở khóa pha, hay các ký hiệu luyến – ngắt.

Trong khi tập, nếu thấy có câu nào khó, bạn nên tập riêng từng tay cho đúng, cho chắc chắn sau đó mới tập dần 2 tay. Bạn cũng nên luyện tập từng câu cho thật cẩn thận, sau khi thuộc từng câu hãy ghép cả bài, tránh tình trạng tập nhầm, câu nọ xọ câu kia.

Sau khi đã tập đúng, tập thuộc, để kiểm tra trường độ cho bài tập của bạn không bị sai như bị chỗ nhanh chỗ chậm, bạn có thể ghép dần từng đoạn nhạc với nhịp trống của đàn, đương nhiên là ghép sau khi bạn đã chọn tiết tấu sao cho phù hợp với loại bài đó. Sau khi đã  cảm thấy bài khá hơn rồi, bạn có thể bắt đầu xử lý sắc thái to nhỏ… theo các ký hiệu trong bài tập.

Những chú ý khi tự luyện tập đàn organ tại nhà

Khi tự luyện tập đàn Organ tại nhà, bạn nên nhớ kỹ những lưu ý cơ bản sau đây:

  • Tay trái phải thao tác xử lý khá nhiều như bấm các nút dồn trống tự động (Fill) hoặc còn phải bấm đổi tiếng (voice)…nên khi bấm các hợp âm đệm tay trái, bạn không nên giữ hợp âm mà nên bấm đệm ngắt. Như thế sẽ giúp bạn bấm chuyển đổi sang các hợp âm khác được nhanh hơn.
  • Khi ghép cả bài 2 tay với nhịp trống, đầu tiện bạn hãy để Tempo chậm – vừa phải. cho đến khi đã ghép chắc chắn, bạn mới tăng Tempo dần đến đúng mức quy định của bài.
  • Khi tập, bạn nên nhấn rõ vào phách mạnh, nhấn nhẹ ở phách yếu và nhấn rõ vào các nốt có đảo phách. Với các nét chạy nhanh (móc kép) hay chùm 3 thì nên nhấn rõ vào các nốt đầu của mỗi chùm móc kép và nốt đầu của mỗi chùm 3. Như vậy khi bạn ghép với nhịp trống sẽ dễ dàng hơn đấy.

 

 

hongctv